Cùng tìm hiểu Lý thuyết Dow là gì? Lý thuyết Dow được xem là kiến thức nền tảng của phân tích kỹ thuật trong đầu tư tài chính nói chung và Forex nói riêng.
Một nhà đầu tư Forex muốn thành công chắc chắn phải biết lý thuyết Dow là gì. Lý thuyết này đóng vai trò như “viên gạch” đặt nền móng cho trường phái phân tích kỹ thuật trên thị trường tài chính.
Có tuổi đời hơn 100 năm, đến nay lý thuyết Dow vẫn còn giữ nguyên giá trị vận dụng và trở thành kiến thức “gối đầu giường” của bất kỳ trader nào.
Cùng tìm hiểu về khái niệm và 6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow để áp dụng tốt nhất cho công cuộc đầu tư Forex trong tương lai của bạn.
Sơ lược Lý thuyết Dow là gì?
Lý thuyết Dow là tập hợp các nguyên lý thể hiện biến động chung của từng mã cổ phiếu hoặc cặp tiền tệ nào đó trên thị trường đầu tư. Nói cách khác lý thuyết Dow giúp nhà đầu tư thấy được các biến động tăng/giảm đã và đang xảy ra trên thị trường.
Lý thuyết Dow được xem là nền tảng của phân tích kỹ thuật tài chính, cũng là kiến thức nhập môn cơ bản cho người mới tập tành đầu tư.
Từ lý thuyết “hạt nhân” này, nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt được các nền tảng lý thuyết khác như sóng Elliott, trendline, RSI, MACD… (ngoại trừ chỉ báo Ichimoku).
Như vậy việc nắm bắt bản chất lý thuyết Dow là gì giúp phục vụ cho quá trình nhận định thị trường, phán đoán và giao dịch của trader trở nên thuận lợi, an toàn hơn.
Nguồn gốc ra đời lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow được đặt theo tên người “khai sinh” ra nó là ông Charles H. Dow, một nhà báo người Mỹ. Ông đã tìm ra các nguyên lý cơ bản của lý thuyết này và đăng một loạt bài xã luận trên tạp chí Wall Street Journal từ năm 1900 – 1902.
Theo đó, lý thuyết được xây dựng xoay quanh tư tưởng cốt lõi của Dow, đó là: Xu hướng thị trường là cách thức đo lường “sức khỏe” của một thị trường tài chính nào đó. Đây cũng là cơ sở cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận.
Năm 1902, “cha đẻ” của lý thuyết Dow đột ngột qua đời, hình thái lý thuyết vẫn đang trong tình trạng dang dở. Sau đó một cộng sự của Dow là William P. Hamilton đã thay ông nghiên cứu tiếp tục và cho ra đời “diện mạo” lý thuyết Dow hoàn thiện như ngày nay.
Dù các chỉ số trong lý thuyết Dow đã ít nhiều thay đổi trong suốt 100 năm qua, nhưng rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận giá trị quan trọng của lý thuyết này trong giao dịch Forex nói riêng và giao dịch tài chính nói chung.
Các nguyên lý cơ bản trong lý thuyết Dow
Muốn hiểu tường tận lý thuyết Dow là gì, trader cần nắm được 6 nguyên lý cơ bản của thuyết này, đó là:
1. Đọc vị thị trường thông qua giá
Dow cho rằng giá thị trường phản ánh toàn bộ diện mạo và cấu trúc thị trường. Nghĩa là thông qua giá, nhà đầu tư có thể nhìn nhận các khía cạnh thực trạng hiện tại của thị trường như thu nhập, chỉ số ROA, ROE, rủi ro, các chỉ số định giá cổ phiếu, mức cổ tức…
Nguyên lý này được tác giả lấy từ giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH). Giả thuyết nêu rằng tất cả thông tin về thị trường được phản ánh theo giá hiện tại.
Đây là triết lý của trường phái phân tích kỹ thuật nhưng cũng là phản đề của trường phái phân tích cơ bản và kinh tế học hành vi.
2. Thị trường thể hiện chủ yếu qua 3 loại xu hướng
Theo lý thuyết Dow, tính chất thị trường được bộc lộ thông qua 3 xu hướng gồm:
- Xu hướng chính (xu hướng cấp 1 – Primary Movement): Là xu hướng kéo dài hơn 1 năm, thể hiện mức độ biến động lớn (tăng hoặc giảm giá) của thị trường chung. Xu hướng chính giúp trader kiếm được nhiều tiền nhất khi đầu tư vào đây.
- Xu hướng thứ cấp (xu hướng cấp 2 – Medium Swing): Là xu hướng có thời gian tồn tại khoảng từ 3 tuần đến 3 tháng, thường ngược chiều với xu hướng chính.
- Xu hướng nhỏ (xu hướng cấp 3 – Small Swing): Là xu hướng kéo dài ít hơn 3 tuần. Xu hướng này khá nguy hiểm với nhà đầu tư (đặc biệt là trader mới) vì thường mang tính nhiễu và chứa nhiều cạm bẫy. Tuy vậy một số ít nhà đầu tư ngắn hạn nhanh nhạy, giàu kinh nghiệm vẫn có thể kiếm lời từ xu hướng này.
3. Có 3 giai đoạn trong xu hướng chính
Cũng theo lý thuyết Dow, mỗi một xu hướng chính đều có chứa 3 giai đoạn. Cụ thể là:
- Đối với xu hướng chính tăng giá (uptrend): giai đoạn tích luỹ (accumulation), giai đoạn tăng vọt (public participation) và giai đoạn quá độ (excess phase).
- Đối với xu hướng chính giảm giá (downtrend): giai đoạn phân phối (distribution), giai đoạn lao dốc (public participation) và giai đoạn tuyệt vọng (panic phase).
Cứ thế các giai đoạn hình thành nên chu kỳ tuần hoàn và lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác.
4. Các chỉ số thị trường phải khớp với nhau
Trong lý thuyết của mình, Dow nhấn mạnh các chỉ số thị trường cần phải khớp với nhau. Nguyên lý này của lý thuyết Dow là gì?
Nghĩa là một khi trader muốn xác nhận thị trường đảo chiều từ tăng sang giảm (hoặc ngược lại) thì 2 chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số ngành vận tải đường sắt cần phải khớp với nhau.
Nói một cách dễ hiểu, các tín hiệu đảo chiều xảy ra trên biểu đồ của chỉ số này phải khớp với các tín hiệu thể hiện trên biểu đồ của chỉ số kia.
Ví dụ: Nếu biểu đồ chỉ số công nghiệp Dow Jones cho thấy xu hướng tăng giá sắp xảy ra nhưng chỉ số vận tải vẫn nằm trong xu hướng giảm thì 2 tín hiệu này không khớp nhau. Như vậy không thể khẳng định được xu hướng tăng sẽ xảy ra.
5. Khối lượng giao dịch (Volume) là điều kiện đủ để xác nhận xu hướng
Trước khi đi vào nguyên lý này, trader cần biết khối lượng (Volume) trong lý thuyết Dow là gì? Cần hiểu rằng khối lượng được nhắc đến ở đây chính là số lượng giao dịch đã diễn ra hoặc giá trị của các giao dịch đã diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu các chỉ số thị trường phải khớp với nhau là điều kiện cần thì khối lượng giao dịch là điều kiện đủ để trader xác nhận xu hướng.
Cụ thể, để xác nhận thị trường có xu hướng chính tăng thật thì đòi hỏi khối lượng cũng phải tăng lên. Đồng thời nếu xu hướng thứ cấp giảm thì khối lượng cũng phải giảm theo.
Trường hợp xu hướng tăng giá nhưng khối lượng suy giảm hoặc cạn kiệt và ngược lại thì đó là xu hướng yếu, thiếu chuẩn xác. Đây cũng là dấu hiệu dự báo có thể sẽ xảy ra sự đảo chiều xu hướng trong tương lai gần.
6. Xu hướng sẽ tồn tại đến khi nào sự đảo chiều thực sự rõ ràng
Trên thực tế, rất nhiều trader nhầm lẫn giữa sự đảo chiều của xu hướng chính với một đợt giá của xu hướng thứ cấp (vốn hay ngược chiều với xu hướng chính).
Vậy nên nguyên lý cuối cùng của Charles Dow nhắc nhở chúng ta rằng một xu hướng có thể tồn tại rất lâu. Và trader cần thận trọng trong việc xác nhận đảo chiều xu hướng để giao dịch hiệu quả.
Một số lưu ý khi sử dụng lý thuyết Dow
Bên cạnh việc hiểu rõ bản chất lý thuyết Dow là gì, nhà đầu tư cần lưu ý một số điều sau khi ứng dụng các nguyên lý của nó trong giao dịch:
- Thứ nhất, không ai có thể thao túng xu hướng: Một khi xu hướng chính được xác lập, không một cá nhân/ tổ chức nào đủ khả năng chi phối hay đảo ngược xu hướng này. Vì thế trader không nên “mờ mắt” với những tin đồn thất thiệt để rồi rước họa vào thân.
- Thứ hai, lý thuyết Dow không phải “vạn năng”: Không thể phủ định tính đúng đắn và sát thực tiễn của lý thuyết Dow, nhưng điều này không có nghĩa lý thuyết Dow là “chén thánh”. Trader cần tránh ỷ lại vào lý thuyết này để phân tích chủ quan, lệch lạc vì nó còn chứa nhiều mặt hạn chế. Đặc biệt lý thuyết Dow chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn chứ không tỏ ra hiệu quả với những người giao dịch trung hạn hoặc ngắn hạn.
- Thứ ba, nên tận dụng giai đoạn đầu và cuối của đợt biến động: Theo nguyên lý thứ 3, mỗi xu hướng đều có 3 giai đoạn và hầu như các nhà đầu tư đều “đổ dồn” vào giai đoạn giữa mà quên mất 2 giai đoạn còn lại. Trên thực tế trader vẫn có cơ hội kiếm nhiều lợi nhuận ở giai đoạn đầu và cuối của biến động.
Rõ ràng việc hiểu rõ lý thuyết Dow là gì thực sự rất quan trọng đối với những ai muốn trở thành bậc thầy trong giao dịch ngoại hối.
Trader nên tìm hiểu kỹ các nguyên lý của lý thuyết này, lưu ý trong khi áp dụng để biết đọc các chỉ báo phân tích kỹ thuật và nhận định đúng xu hướng thị trường.